GIỚI THIỆU SÁCH BÁO CHÍ VÀ TRUYỀN THÔNG ĐA PHƯƠNG TIỆN

Ngày nay khoa học công nghệ với sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin đã góp phần thay đổi tất cả các lĩnh vực trong đời sống xã hội, trong đó có các loại hình báo chí và truyền thông. Báo chí truyền thông đa phương tiện ra đời vừa để đổi mới nội dung và phương thức thể hiện vừa mở rộng tầm ảnh hưởng của mình, đáp ứng được nhu cầu, thị hiếu của công chúng trong kỷ nguyên kỹ thuật số.

Nếu trên thế giới, phương thức truyền thông đa phương tiện xuất hiện tương đối sớm và khá phổ biến thì ở Việt Nam dù không ít cơ quan báo chí và truyền thông cũng đã nhanh chóng tiếp cận, khai thác phương thức này nhưng mới ở những bước đi ban đầu. Những thay đổi trong phương thức quản lý, vận hành công việc đã cho những kết quả đáng ghi nhận như: Nội dung thông tin đa dạng, nóng hổi; hình thức sinh động, phong phú; cách thức chuyển tải thông tin cập nhật... nhưng việc chuyển đổi này đòi hỏi nhiều yêu cầu và điều kiện, từ việc nhận thức về thế mạnh, hạn chế, vai trò, đặc trưng của phương thức truyền thông đa phương tiện đến việc trang bị, khai thác các thiết bị kỹ thuật, đào tạo nguồn nhân lực chuyên nghiệp...

Với báo chí truyền thông đa phương tiện, việc truyền tải thông tin đến công chúng không chỉ qua con chữ hay những tấm ảnh tĩnh đơn thuần mà còn là video, audio, hình ảnh sống động, đồ họa và cách thức thể hiện mới mẻ, hiện đại từ ứng dụng kỹ thuật số. Trong hệ sinh thái của báo chí đa phương tiện, mỗi tòa soạn không chỉ dừng lại ở một loại hình mà có sự kết hợp hài hòa nhuần nhuyễn với nhau, mỗi nhà báo có thể cùng một lúc tác nghiệp nhiều loại hình khác nhau.

Trong bối cảnh đó, nhằm cung cấp thêm tài liệu tham khảo cho những vấn đề nêu trên, cuốn “Báo chí và truyền thông đa phương tiện” do PGS.TS Nguyễn Thị Trường Giang chủ biên đã trở thành một tài liệu tham khảo bổ ích, có giá trị.

Nội dung cuốn sách đã trình bày và lý giải những vấn đề căn bản về lý thuyết và thực tiễn của báo chí và truyền thông đa phương tiện như: đặc trưng của báo chí đa phương tiện, truyền thông đa phương tiện và ảnh hưởng xã hội của chúng; xu hướng phát triển của báo chí thế giới trong kỷ nguyên kỹ thuật số; đặc điểm của hội tụ truyền thông hay mô hình tòa soạn hội tụ; yêu cầu đối với một nhà báo đa phương tiện; ảnh hưởng của xu hướng báo chí và truyền thông đa phương tiện đối với các tờ báo, các tòa soạn báo Việt Nam; truyền thông xã hội ảnh hưởng như thế nào đối với sự phát triển của báo chí và truyền thông hiện đại… Nhiều vấn đề về phương pháp, cách thức làm việc liên quan trực tiếp đến vấn đề “bếp núc” của người làm báo, làm truyền thông trong lĩnh vực đa phương tiện cũng được các tác giả trình bày khá tỉ mỉ. Đây là những vấn đề nóng đang được nhiều nhà quản lý, nhà báo, nhà truyền thông và công chúng rộng rãi quan tâm.

Hy vọng rằng, cuốn sách Báo chí và truyền thông đa phương tiện sẽ mang đến cho các bạn sinh viên theo học ngành Báo chí và Truyền thông đa phương tiện, những người đã, đang và sẽ hoạt động trong lĩnh vực báo chí và truyền thông nhiều tri thức mới mẻ, nhiều điều bổ ích  trong học tập, công việc cũng như cuộc sống thường nhật.

                                                                                                 Bích Liên

Sách hiện có tại thư viện trường Cao đẳng Phát thanh – Truyền hình II