Giới thiệu giáo trình VOV College: Phỏng vấn Phát thanh - Truyền hình

Lời BBT: Môn Phỏng vấn Phát thanh - Truyền hình là một trong những môn học bắt buộc trong chương trình đào tạo ngành Báo chí của Trường CĐ Phát thanh - Truyền hình II (VOV College). Đây là một trong những giáo trình do các giảng viên của VOV College biên soạn để phục vụ công tác giảng dạy và học tập của giảng viên, sinh viên trường.

Giáo trình “Phỏng vấn phát thanh truyền hình” tại Thư viện VOV College

Giáo trình “Phỏng vấn Phát thanh - Truyền hình” do các giảng viên khoa Báo chí và Truyền thông của trường CĐ Phát thanh - Truyền hình II biên soạn “xuất phát từ thực tiễn sôi động của báo chí Việt Nam, từ những trăn trở trong việc nghiên cứu và giảng dạy báo chí phát thanh truyền hình” tại VOV College. Giáo trình nhằm phục vụ cho việc giảng dạy môn học “Phỏng vấn Phát thanh - Truyền hình” và “trang bị cho sinh viên những kiến thức nhất định, những kỹ năng cơ bản nhất” để thực hiện các cuộc phỏng vấn báo chí.

Đây được xem là một cuốn giáo trình chuyên ngành tương đối hoàn chỉnh vì đã đáp ứng được những yêu cầu trong công tác dạy và học tại VOV College. Giáo trình được viết bởi một văn phong giản dị, dễ hiểu nhưng không kém phần cô đọng, súc tích, bao quát được thể loại phỏng vấn phát thanh truyền hình mà các tác giả muốn đề cập đến.

Sau khi được giảng viên hướng dẫn phần lý thuyết, sinh viên sẽ tự lên chủ đề, kịch bản, khách mời và vào phòng thu làm bài phỏng vấn phát thanh

Giáo trình có 5 chương, trong đó chương 1, trình bày về vai trò của thể loại phỏng vấn báo chí, các tác giả cho rằng: “Phỏng vấn không chỉ làm tăng tính sinh động mà còn mang cả hơi thở cuộc sống vào trong tác phẩm báo chí, làm tăng cường tính khách quan, tính dân chủ, tính nhanh nhạy, năng động của thông tin”. Chính vì vậy, “phỏng vấn có khả năng thu hút công chúng” rất cao. Ngoài ra, trong giáo trình các tác giả cũng đã nhắc lại mục đích của thể loại phỏng vấn là “khẳng định, nhấn mạnh tính xác thực, khách quan, trực tiếp của thông tin” thông qua việc bày tỏ ý kiến, suy nghĩ, cảm xúc của mình trước các sự kiện. Hình thức này sẽ giúp khán giả cảm nhận được không khí và tính chất chân thực của nội dung thông tin.

Chương 2, các tác giả đề cập đến “Quy trình chung” trong việc thực hiện một cuộc phỏng vấn báo chí như: shuẩn bị PV, tiến hành PV và sau khi PV. Trong phần “Chuẩn bị phỏng vấn”, các tác giả khẳng định phóng viên phải có “hiểu biết nền” trong lĩnh vực mình muốn phỏng vấn. Sau đó sẽ xác định chủ đề, góc tiếp cận đảm bảo được tính hấp dẫn, được dư luận quan tâm, việc này sẽ giúp phóng viên“dễ dàng định lượng được những câu hỏi để có thể khai thác lượng thông tin cần thiết”. Tiếp đó người đọc có thể tìm thấy những chỉ dẫn cụ thể, như “Chọn người phỏng vấn”, “Liên hệ phỏng vấn”, “Lập đề cương câu hỏi”… giúp họ chủ động, tự tin khi đặt câu hỏi và có câu hỏi hay để tiến hành cuộc phỏng vấn thành công.

Từ chương 3 đến chương 5, các tác giả đề cập tới các loại hình PV cụ thể như: PV báo in, PV phát thanh, PV truyền hình. Trong mỗi loại PV lại được phân loại theo những phương thức khác nhau như phỏng vấn truyền hình được phân loại theo điều kiện ghi hình và quy mô cuộc PV hoặc phân loại theo phương thức phát sóng truyền dẫn (trực tiếp, không trực tiếp).

Sinh viên sẽ chủ động chọn đề tài, chọn khách mời để thực hiện bài phỏng vấn truyền hình trong quá trình học môn Phỏng vấn phát thanh truyền hình

PV truyền hình mang những đặc trưng riêng khác với báo in và phát thanh là truyền hình truyền tải trực tiếp bằng cả âm thanh, hình ảnh. Chất lượng sản phẩm của PV truyền hình quyết định ở khâu tác nghiệp tại hiện trường, do đó cơ hội sửa chữa, bổ sung rất hạn chế. Phần cuối của nội dung này là “Xử lý tình huống trong PV truyền hình” đã nêu bật cách xử lý những tình huống bất ngờ, đòi hỏi phóng viên phải thật sự nhanh nhạy trong giải quyết công việc như những tình huống “nhân vật từ chối tham gia PV”, “nhân vật không đồng ý cho khai thác thông tin mà PV muốn”, “sự cố điện thoại”…Tất cả những điều này giúp sinh viên hình dung một cách rõ nét các công việc cụ thể trong PV, giúp họ chủ động trong mọi tình huống khi tác nghiệp.

 Đặc biệt, sau mỗi chương của giáo trình là phần câu hỏi ôn tập giúp sinh viên hệ thống hóa được kiến thức đã học cùng với phần thực hành và phụ lục ở phần cuối giáo trình để sinh viên tham khảo.

Giáo trình “Phỏng vấn Phát thanh - Truyền hình” do các giảng viên khoa Báo chí và Truyền thông có nhiều kinh nghiệm trong hoạt động thực tiễn báo chí biên soạn. Do vậy, tuy được viết bởi 3 tác giả nhưng người đọc vẫn thấy một sự đồng nhất bởi một văn phong giản dị, dễ hiểu, đi kèm với những minh họa PV sinh động, hấp dẫn. Có thể nói giáo trình “Phỏng vấn Phát thanh - Truyền hình” ra đời đã đáp ứng được nhu cầu của giảng viên, sinh viên trường CĐ Phát thanh - Truyền hình II trong công tác giảng dạy và học tập.

 


THÔNG TIN GIÁO TRÌNH

Tên: Phỏng vấn phát thanh – truyền hình

Độ dày: 350 trang, khổ 14,5 x 20,5cm

Tác giả: ThS.  Ngô Thị Hồng Minh, ThS.  Nguyễn Thị Mai Thu, ThS.  Cù Thị Thanh Huyền

Giáo trình đang có tại Thư viện trường CĐ Phát thanh - Truyền hình II (Cơ sở Quận 12)


 

    Bài: Phạm Vĩ – 20LTĐH

Ảnh: VOV College