Nhằm trang bị cho sinh viên những kỹ năng cần thiết để hoàn thành tốt nhiệm vụ trong kỳ thực tập sắp tới, sáng 22-1-2019, Khoa Báo chí -Truyền thông Trường Cao đẳng PT-TH II đã tổ chức buổi tư vấn thực tập tại cơ sở cho sinh viên Khóa 16
Tham gia buổi tư vấn có gần 200 sinh viên, các giảng viên khoa Báo chí -Truyền thông cùng các cựu sinh viên của trường hiện đang công tác tại các cơ quan báo chí, truyền thông.
Thông qua buổi tư vấn, sinh viên được lắng nghe, học hỏi nhiều kinh nghiệm từ các cựu sinh viên chia sẻ những vấn đề xoay quanh quá trình thực tập tại cơ sở.
Chị Trương Linh, cựu sinh viên khóa 07, Trưởng phòng Sản xuất Cty truyền thông Wepro chia sẻ: “Quyết định chọn cơ quan thực rập rất quan trọng. Nếu được thực tập ở một cơ quan phù hợp sẽ đem đến cho chúng ta rất nhiều thứ như: cho ta cơ hội được tác nghiệp thực sự để xem mình có phù hợp với nghề không; mở rộng các mối quan hệ; nếu thực tập tốt các bạn còn được giữ lại làm việc chính thức ngay sau khi tốt nghiệp. Khi đến cơ quan thực tập các bạn phải chủ động làm quen, xin số điện thoại với tất cả mọi người ở đó, kể các các cô chú lao công, bảo vệ vì có khi điều đó lại cứu được bạn trong một số trường hợp.”
Cũng trong buổi tư vấn, Anh Nguyễn Thanh Lợi, cựu sinh viên khóa 04, Biên tập viên Kênh Truyền hình Let’Viet đã đưa ra lời khuyên: “Quãng thời gian thực tập rất ngắn chính vì vậy chúng ta phải bắt tay ngay vào công việc chứ đừng mang tâm lý thụ động ý lại.”Anh còn nhấn mạnh và chỉ ra cho các bạn cách thức để tìm và tiếp cận đề tài vì cho rằng đây là điểm yếu mà sinh viên thực tập hay gặp phải: “Chúng ta phải theo dõi các dòng sự kiện. Ví dụ sắp đến Tết chúng ta có thể viết về thị trường bánh kẹo, những mảnh đời lang thang không có nơi cư ngụ,…Chúng ta còn phải tập phát hiện đề tài trong các báo cáo hội nghị bởi nếu chỉ đơn thuần đưa một tin hội nghị thì sẽ không tạo được dấu ấn riêng cho bản thân mình, nhưng nếu các em sáng tạo, tỉ mỉ sẽ phát hiện các chi tiết đặc biệt trong báo cáo để từ đó xây dựng được những câu chuyện có ý nghĩa. Ngoài ra, chúng ta còn tìm kiếm đề tài từ bạn bè, đồng nghiệp và từ việc quan sát những sự việc, con người xung quanh”.
Chị Thi Lý Mỹ Thuyên, cựu sinh viên khóa 99, Giám đốc công ty Truyền thông Mẹ & Con: “Đứng ở góc độ là nhà tuyển dụng, thì điều chị đánh giá đầu tiên là ở thái độ của các bạn sinh viên. Nhà tuyển dụng nào cũng mong muốn cộng sự của mình có một thái độ nghiêm túc trong công việc, thể hiện sự chuyên nghiệp và mong muốn được cùng cộng tác. Điều thứ hai là sự ham học hỏi, không bao giờ được phép tự mãn, phải không ngừng sáng tạo, trau dồi cách viết của mình”.
Không chỉ chia sẻ về nghề, các anh chị còn nhắc nhở các bạn từ những điều nhỏ nhặt nhất về thái độ tác phong khi đi thực tập. Trước khi đến liên hệ thực tập với bất kỳ đơn vị nào mình đều phải tìm hiểu kỹ về đơn vị đó: từ phong cách viết, đối tượng công chúng, những mảng miếng chủ lực, trang phục của các nhân viên nơi đó. Việc lựa chọn trang phục sao cho phù hơp với môi trường làm việc là cực kỳ quan trọng. Nó sẽ đem đến thiện cảm cho người tiếp xúc và nếu chọn đúng, sẽ thuận tiện cho chính mình trong từng công việc cụ thể, cũng như môi trường làm việc từng thời điểm.
Với các câu hỏi của sinh viên về phương tiện làm nghề, anh Trác Lực Rin, cựu sinh viên khóa 13, phóng viên tổ Phóng sự ký sự thuộc ban thư ký tòa soạn báo Thanh niên chia sẻ: “Trong môi trường báo chí hiện đại hiện nay, chúng ta phải chủ động tiếp cận công nghệ, đặt biệt là với các thiết bị mới. Nếu có điều kiện thì chủ động trang bị cho bản thân chứ đừng thụ động ỷ vào máy móc của cơ quan”
Với những sinh viên đam mê lĩnh vực phát thanh, chị Hà Thị Diễm, cựu sinh viên khóa 13, phóng viên, MC VOV FM 89, Kênh sức khỏe và an toàn thực phẩm Đài TNVN đưa ra lời khuyên: “Nếu đã chọn báo nói để theo đuổi thì phải cố gắng đến cùng. Báo nói có thể dễ tiếp cận nhưng người làm báo nói thì khó trụ lâu dài do nhiều yếu tố khách quan. Người làm báo nói phải biết cách lắng nghe, suy nghĩ, học cách viết đúng và nói bằng sự chân thành”.
Anh Trương Khởi, cựu sinh viên khóa 09, phóng viên Ban MultiMedia, báo Zing.vn, đúc kết: “Trong thời đại báo chí phát triển sôi nổi như hiện nay thì ngoài việc bổ sung những kiến thức vững vàng, các phóng viên trẻ cần phải hoàn thiện hơn nữa các kỹ năng, trở thành phóng viên "đa - di - năng", có thể viết tốt, quay video, dựng video và MC". Điều đó giúp phóng viên tự tin, hoàn thành tốt công việc ở bất kỳ điều kiện, môi trường nào, Đó là xu thế tất yếu”.
Thông qua buổi tư vấn, sinh viên Đoàn Lê Nhật Hà (lớp 16CĐBC2) bày tỏ: “Mình rất vui vì được biết thêm nhiều anh chị làm trong nghề, cũng như học hỏi được nhiều kinh nghiệm cho thời gian thực tập sắp tới thông qua các chia sẻ vô cùng quý báu của các anh chị cựu sinh viên. Mình mong muốn sẽ vận dụng những lời khuyên của các anh chị một cách tốt nhất để có một kỳ thực tập thật tốt”.
Nhiều câu hỏi cụ thể về chi tiết của kế hoạch thực tập cũng được cô Nguyễn Thị Mai Thu, đại diện khoa Báo chí & Truyền thông giải thích cặn kẽ và thấu đáo tại buổi tư vấn.
Tin: Đỗ Thanh Phúc, Đặng Thị Thùy Dung
Ảnh: Lê Phạm Anh Thoại
Một số hình ảnh của buổi tư vấn:

Chị Thi Lý Mỹ Thuyên, cựu sinh viên khóa 99, Giám đốc công ty Truyền thông Mẹ & Con.

Anh Nguyễn Thanh Lợi, cựu sinh viên khóa 04, Biên tập viên Kênh Truyền hình Let’Viet.

Chị Trương Linh, cựu sinh viên khóa 07, Trưởng phòng Sản xuất Cty truyền thông Wepro.

Anh Trương Khởi, cựu sinh viên khóa 09, phóng viên Ban MultiMedia, báo Zing.vn

Anh Trác Lực Rin, cựu sinh viên khóa 13, phóng viên tổ Phóng sự ký sự thuộc Ban thư ký tòa soạn báo Thanh niên

Chị Hà Thị Diễm, cựu sinh viên khóa 13, phóng viên, MC VOV FM 89, Kênh sức khỏe và an toàn thực phẩm Đài TNVN.





Toàn cảnh buổi tư vấn